Giấy phép xuất bản số 110/GP - BTTTT cấp ngày 24.3.2020 © 2003-2024 Bản quyền thuộc về Báo Thanh Niên. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, người đỗ tiến sĩ ở tuổi 15
Ông Vũ Xuân Lý, Trưởng ban lão ông làng Thổ Hoàng, cho biết Thổ Hoàng xưa là vùng đất rộng, được gọi là tổng Thổ Hoàng. Nếu tính cả các vùng đất lân cận xưa kia thì có cả thảy 12 tiến sĩ đỗ đại khoa. Còn tính theo địa giới hiện tại, làng Thổ Hoàng có 10 vị tiến sĩ đỗ đạt trong thời kỳ phong kiến, được nhiều người gọi là làng tiến sĩ.
Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn
Người đầu tiên khai khoa cho làng là danh nhân Nguyễn Trung Ngạn. Ông đỗ Hoàng Giáp tại khoa thi năm Giáp Thìn (1304) thời nhà Trần khi mới 15 tuổi. Không chỉ là tiến sĩ khai khoa cho làng, Nguyễn Trung Ngạn cũng được coi là người trẻ tuổi nhất Việt Nam đỗ tiến sĩ, đứng đầu khoa bảng.
Ông cũng là người nổi tiếng nhất, có học vị cao nhất trong số 10 tiến sĩ khoa bảng của làng Thổ Hoàng, có nhiều công lao đóng góp đối với nền giáo dục nước nhà. Năm 1312, khi mới 23 tuổi, ông đã làm tới chức gián quan. Chỉ tính riêng ở Hà Nội đã có đến 7 nơi lập đền thờ Nguyễn Trung Ngạn. Tại quê hương, đền thờ ông được xây dựng mới trên quy mô gần 1 ha. Năm 2020, đền được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Người thứ 2 trong làng là Nguyễn Văn Bính, tại khoa thi năm Ất Sửu (1505) đã đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ. Tiếp đó, khoa thi năm Mậu Dần (1518), Nguyễn Trấn Chí đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ.
Đến năm 1526, Vũ Huyễn đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ; khoa thi năm 1553, Hoàng Tuân đỗ Bảng nhãn. Vào các khoa thi từ năm Tân Mùi (1571) đến năm Ất Mùi (1775) có 5 vị đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ, gồm: Hoàng Chân Nam, Vũ Trác Oánh, Hoàng Công Chí, Hoàng Công Bảo và Hoàng Bình Chính. Hoàng Bình Chính cũng là tiến sĩ đỗ đại khoa cuối cùng của làng Thổ Hoàng trong thời kỳ phong kiến.
Các tấm biển ghi rõ họ tên tiến sĩ và khoa thi đỗ được trưng bày tại đình làng Thổ Hoàng
Ở thời này, Thổ Hoàng cũng được coi là "lò" luyện thi nổi tiếng ở đất Bắc khi xây dựng nhà thờ Khổng Tử và cũng là nơi các sĩ tử ở khắp nơi đổ về rèn luyện. Đến nay, trải qua thăng trầm của lịch sử, nhà thờ không còn nữa, chỉ còn vết tích là 2 nghiên mực bằng đá khối nặng hàng chục tấn đặt ở đình làng.
Ngôi làng cổ giàu truyền thống hiếu học
Theo ông Lê Ngọc Thạch, thủ từ đình Thổ Hoàng, làng cổ Thổ Hoàng ngót nghét ngàn năm tuổi. Theo thần tích còn lưu tại đình làng, xưa kia ở làng có người tên là Bùi Công Hộ, có sức lực hơn người, thông thạo về kinh thư, sử sách.
Lúc này, Triệu Quang Phục (tức vua Triệu Việt Vương) đang lập bản doanh đánh giặc Lương tại Dạ Trạch (H.Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay). Hay tin, Bùi Công Hộ thường dùng thuyền độc mộc giúp vua đánh úp doanh trại khiến giặc Lương tan vỡ.
Tấm nghiên mực bằng đá nặng hàng chục tấn còn lưu giữ được ở đình làng Thổ Hoàng
Đến khi Triệu Quang Phục tiến quân về Long Biên (Hà Nội ngày nay), Bùi Công Hộ xin lui về thôn dã, không ham công danh, thường ngày cùng các phụ lão du chơi nơi suối đá. Đến 70 tuổi, Bùi Công Hộ không bệnh mà mất. Các cụ già trong làng thường mơ thấy thần trở về, người ngựa đi theo rất đông và nói với các cụ: "Ta được nhà vua phong thần, nếu thờ phụng ta, hương ấp sẽ được ban phúc". Từ đó, Bùi Công Hộ được dân làng Thổ Hoàng phong là thành hoàng làng.
Đình làng được xây dựng năm 1747, đến năm 1949 thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đình Thổ Hoàng được phá dỡ, được xây mới và hoàn thành vào năm 2018. Hiện nay, làng Thổ Hoàng còn giữ được 7 đạo sắc phong của các triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Văn Thuật, Chủ tịch UBND TT.Ân Thi, cho biết: "Làng Thổ Hoàng cùng đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống hiếu học của con em địa phương nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung.
Từ thời kỳ đổi mới đến nay, làng Thổ Hoàng có thêm 10 tiến sĩ, đang công tác tại các cơ quan T.Ư và các địa phương trên cả nước. Người làng Thổ Hoàng tính tình điềm đạm, các thế hệ đang ra sức học tập, cống hiến để xứng danh với vùng đất khoa bảng mà ông cha đã vun đắp, xây dựng".
Sáng nay mùng 1 Tết (10.2), cụ ông Ngô Trọng Thanh (73 tuổi) cùng con cháu ra đình, chùa làng Hoàng Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) từ lúc chưa tới 8 giờ sáng. Dù còn khá sớm, gia đình ông không phải người đầu tiên tới đây.
Khi ông Thanh tới nơi, khoảng chục cụ cao niên trong làng đã mặc áo the, khăn xếp để đọc bài khấn cầu xin an lành cho làng nước. “Chiêng nghe vang quá”, tiếng một cụ ông nói vọng từ gian ngoài vào trong - nơi những tiếng chiêng đầu tiên đang được thỉnh. Năm nay, làng mới đúc Đại Hồng Chung và cũng có thêm chiêng mới.
Chùa làng Hoàng Mai ấm cúng, vắng người sáng mùng 1 Tết - Ảnh: Trinh Nguyễn
Cạnh đình Hoàng Mai là chùa Hoàng Mai, còn có tên khác là Nga Mi - vốn được nhiều nhà buôn “tín”. Ngày rằm, mùng 1 hằng tháng, dân buôn kéo đến tấp nập. Tuy nhiên, sáng mùng 1 Tết những người lễ xin lộc làm ăn kiểu đó hầu như không có. Bãi xe trước cổng đình bên cạnh chùa chỉ hơn chục chiếc xe máy. Trên ban thờ, tiền đặt lễ không nhiều và đều mang mệnh giá nhỏ.
“Khách đi lễ chủ yếu chỉ là người trong làng, đi bộ ra chùa. Vài cụ đi xe đạp tới”, ông Thanh cho biết. Đã 14 đời sinh sống ở làng, ông Thanh giữ thói quen lễ chùa mùng 1 tết từ nhỏ. Thói quen này chỉ bị đứt đoạn trong chiến tranh và thời gian ông đi công tác nước ngoài. Ông cùng nhiều người già đi lễ trong làng Hoàng Mai phần lớn đều quen biết nhau.
“Phần lớn các làng cổ Hà Nội vẫn giữ được đình, chùa. Có thể thấy rõ nhất thói quen đi lễ ngày mùng 1 Tết như một tục lệ thanh tao, ít nhuốm màu mặc cả với thần linh. Có những người quanh năm chỉ lễ ở nhà, nhưng tới mùng 1 Tết là ra chùa làng”, giáo sư Ngô Đức Thịnh nói.
Việc lễ Phật tại các chùa làng, theo ông Thịnh tuy vẫn mang màu sắc Phật giáo nhưng mang đậm tính cộng đồng hơn. Khi đi lễ tại đây, người làng hướng tới sự gắn kết trong chính cộng đồng làng mình.
Em bé cưỡi ngựa đá ở đình làng. Những hình ảnh này sẽ đi vào ký ức của bé - Ảnh: Trinh Nguyễn
Vì thế, theo giáo sư Thịnh, so với những chùa lớn, tính chất các cuộc hành lễ ở chùa làng rất khác, nhất là về quy mô. Những cuộc hành lễ ở đây thường nhỏ hơn, do những người quen biết lâu năm thực hành. Điều này không giống với các chùa lớn, người ta không thể biết hết nhau và chỉ chú tâm vào việc thực hành tôn giáo của mình là chính. Việc tìm hiểu kinh kệ, giáo lý của người đi lễ chùa làng cũng không được đặt cao như ở chùa lớn. Tuy nhiên, cảm giác gần gũi, thân thuộc của chùa làng lại nổi trội hẳn so với chùa lớn.
Là một người làng Hoàng Mai, tiến sĩ Vũ Thế Long, Tổng Thư ký Hội ẩm thực cũng đồng tình với điều này. Nhà nghiên cứu người Hà Nội gốc này cho biết, sự yên tĩnh là điều trong năm Hà Nội thiếu thốn.
“Kín đáo, tế nhị là nét văn hóa Hà Nội mà tôi cảm nhận từ bố mẹ và những thế hệ trước trong gia đình”, ông Long nói. Sự tế nhị này theo ông thể hiện qua vật phẩm cúng lễ tinh tế mà không chạy theo số lượng. Nhiều năm xa làng, ông Long vẫn đáo qua lại đây, để thấy sự kín đáo, ấm cúng của quê cha đất tổ.
Chùa nổi tiếng thường đông nghịt người vào mùng 1 Tết - Ảnh: Ngọc Thắng
Tại các đền, chùa có tiếng tại Hà Nội như chùa Phúc Khánh, chùa Quán Sứ, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ… ngay từ sáng mùng 1 Tết, người đi lễ đã khá đông. Tuy nhiên, số người đi lễ này không đông bằng lúc giao thừa. Có những điểm lễ, nhiều người dân còn phải đứng ngoài bái vọng.
Số lượng chùa ở Hà Nội không nhỏ, song hiện nay nhiều chùa làng đã thay đổi quy mô do người dân khắp nơi về tế lễ quá đông.
“Giữ được chùa làng là một may mắn. Đi lễ chùa làng ngày tết là hạnh phúc được sống chậm, sống chung trong cộng đồng nhỏ nhiều người thân thuộc”, giáo sư Thịnh chia sẻ.
Giấy phép xuất bản số 110/GP - BTTTT cấp ngày 24.3.2020 © 2003-2024 Bản quyền thuộc về Báo Thanh Niên. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.