The server name is not supported.
Tác giả Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác - Ngữ văn lớp 11
Bài viết về tác giả Nguyễn Đình Chiểu Ngữ văn lớp 11 hay nhất, chi tiết trình bày đầy đủ nội dung chính quan trọng nhất về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, phong cách sáng tác, ... của Nguyễn Đình Chiểu.
Bài giảng: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Phần 1: Tác giả) - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)
- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai
- Quê: làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định
- Ông xuất thân trong gia đình nho học, năm 1843 thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định.
- Trên đường ra Huế học chuẩn bị thi tiếp (năm 1846) ông nhận được tin mẹ mất, phải bỏ thi về quê chịu tang, dọc đường ông bị đau mắt nặng rồi bị mù
- Không chịu khuất phục trước số phận, về quê ông mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, tiếng thơ ông Đồ Chiểu vang khắp lục tỉnh
- Khi Pháp xâm lược ông hăng hái giúp các nghĩa quân bàn mưu tính kế, bị giặc dụ dỗ mua chuộc ông khẳng khái khước từ
⇒ Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng ngời về nghi lực và đạo đức đặc biệt là thái độ một đời gắn bó chiến đấu không mệt mỏi vì lẽ phải, vì lợi ích của nước của dân
- Các tác phẩm chính: chủ yếu bằng chữ Nôm
+ truyện thơ dài: truyện Lục Vân Tiên, Dương Tử- Hà Mậu được sáng tác trước khi thực dân Pháp xâm lược
+ một số tác phẩm mang nội dung tư tưởng tình cảm, nghệ thuật: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều y thuật vấn đáp,... sáng tác sau khi Pháp xâm lược
+ Mang nặng lí tưởng đạo đức nhân nghĩa:
• Đạo lí làm người của ông mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho nhưng lại đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc
• Những mẫu người lí tưởng trong sáng tác của ông là những con người nhân hậu, ngay thẳng, thủy chung, dám đấu tranh với các thế lực tàn bạo, cứu độ nhân thế
• Thơ văn chống Pháp của ông ghi lại chân thực một thời đại đau thương của đất nước, tố cáo tội ác kẻ thù: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ trong trận vong Lục tỉnh,...
• Khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta
• Biểu dương các anh hùng, nghĩa sĩ đã chiến đấu vì đất nước: Văn tế Trương Định, Kì Nhân Sư trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp
+ Bút pháp trữ tình nồng đậm hơi thở cuộc sống
+ Lối thơ thiên về kể mang màu sắc diễn xướng
Xem thêm các bài viết về Tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 11 hay khác:
ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11
Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official
Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học
Tượng cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ngọc Thạch
Năm Quý Mão (1843), tại trường thi Hương Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu đỗ Tú tài và được một nhà nho hứa gả con gái cho ông. Năm 1846, Nguyễn Đình Chiểu ra Huế học để chờ khoa thi Kỷ Dậu (1849). Nhưng khi nghe tin mẹ mất (1848) tại Gia Định, là con trưởng trong gia đình, không thể ở lại Huế chờ khoa thi, đầu năm 1849, Nguyễn Đình Chiểu trở về quê chịu tang mẹ. Trên đường trở về một phần vì thương khóc mẹ, phần vì vất vả do thời tiết thất thường, Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng khi đến Quảng Nam. Trong thời gian chữa bệnh tại nhà một thầy thuốc dòng dõi ngự y, Nguyễn Đình Chiểu đã học được nghề thuốc; đáng tiếc dù bệnh tình đã khỏi nhưng để lại di chứng khiến Nguyễn Đình Chiểu mù cả hai mắt khi tuổi đời còn rất trẻ.
Bị tật nguyền, đường công danh dang dở, hôn thê bội ước, nhưng Nguyễn Đình Chiểu không chịu khuất phục trước số phận. Sau khi mãn tang mẹ, với vốn kiến thức sẵn có từ y học đến Nho giáo ([1]), Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học ở Bình Vi (Gia Định), tiếp tục nghiên cứu nghề làm thuốc, bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu sáng tác thơ văn và tiếng thơ của ông vang khắp Lục tỉnh với truyện Lục Vân Tiên nổi tiếng - Một tác phẩm mang tính chất tự truyện của tác giả. Rất mến phục và thông cảm sâu sắc với cảnh ngộ của thầy, một người học trò của Nguyễn Đình Chiểu là Lê Tăng Quýnh làng Thanh Ba, Cần Giuộc đã xin với gia đình gả em gái thứ năm là Lê Thị Điền cho người thầy của mình.
Du khách tham quan và thắp hương khu mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt
Năm 1859, sau khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ tại làng Thanh Ba (Cần Giuộc). Tại đây, Nguyễn Đình Chiểu gắn bó với nghĩa quân yêu nước, ông thường xuyên thư từ liên lạc với những người lãnh đạo nghĩa quân. Thời gian ở Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã hoàn thành tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu. Và cũng trong thời gian này, ông đã viết bài văn tế nổi tiếng “Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn” (tức “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”). Ngày 14-12-1861, quân Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, Tân An, Gò Công.
Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn nhu nhược ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và đảo Côn Lôn cho Pháp. Là một trong những người khởi xướng phong trào “tị địa” bất hợp tác và không sống trong vùng đất Pháp chiếm, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia quyến rời Cần Giuộc về Ba Tri, Bến Tre và sống ở đây cho đến cuối đời. Trong thời gian sống ở Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu cùng với Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt… sáng tác thơ văn hiệu triệu anh hùng nghĩa sĩ đứng lên cứu nước và vạch mặt sự xấu xa của bọn nho sĩ đầu hàng giặc như Tôn Thọ Tường.
Biết Nguyễn Đình Chiểu có uy tín lớn trong nhân dân nên Chánh tham biện Bến Tre Michel Ponchon (Misen Pông-sông) tìm mọi cách mua chuộc ông. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu một mực cự tuyệt và khi hắn nêu ý định trả đất cho ông, ông thẳng thừng trả lời: “Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì”. Câu nói ấy là bằng chứng xác thực nhất về phẩm chất yêu nước, thanh cao, không màng danh lợi của nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Chiểu.
Trưng bày sách về cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Bến Tre. Ảnh: Ánh Nguyệt
Năm 1886, vợ ông là bà Lê Thị Điền mất. Nỗi đau thêm chồng chất, bệnh tình Nguyễn Đình Chiểu ngày càng trầm trọng. Trong những ngày cuối đời, ông sống trong cảnh nghèo thanh bạch với sự yêu thương đùm bọc của nhân dân. Ngày 3-7-1888 (tức ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý) Nguyễn Đình Chiểu qua đời trong một căn nhà nhỏ tại làng An Bình Đông (gần chợ Ba Tri, thuộc Thị trấn Ba Tri ngày nay), thọ 66 tuổi. Nhân dân, bạn bè, học trò và con cháu đưa tang ông rất đông, khăn tang trắng cả cánh đồng An Bình Đông (nay là An Đức) nơi ông yên nghỉ cuối cùng.
Nguyễn Đình Chiểu đã sống một cuộc đời theo đạo nghĩa, trong biến loạn vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy giáo, thầy thuốc mẫu mực, ông còn là nhà thơ yêu nước điển hình, có quan niệm văn chương nhất quán, dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Mỗi vần thơ đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi và bộc lộ một tấm lòng thương dân, yêu nước.
Danh nhân văn hóa Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu mà Nhân dân Nam Bộ thường gọi là Cụ Đồ Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau này bị mù có hiệu là Hối Trai, sinh ngày 01 tháng 7 năm 1822 (nhằm ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ) tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và mất ngày 03 tháng 7 năm 1888 (nhằm ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý) ở làng An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Thân sinh Nguyễn Đình Chiểu là cụ Nguyễn Đình Huy, hiệu Dương Minh Phủ, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, được bổ làm thư lại ở dinh tả quân Lê Văn Duyệt, sau lấy vợ thứ tên là Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, sinh được 7 người con (4 trai, 3 gái). Nguyễn Đình Chiểu là con đầu lòng của bà.
Từ thuở thơ ấu cho đến năm 11 – 12 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu đã được sống và học tập có nề nếp bên cạnh người mẹ hiền. Ông thường được mẹ kể cho nghe nhiều chuyện cổ tích dân gian và được theo mẹ đi xem hát ở vườn ông Thượng (tức vườn Tao Đàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Qua đó, ông đã được mẹ giáo dục về những điều thiện ác, trung nịnh, chính tà, nhân nghĩa… Năm lên 6 – 7 tuổi, ông được theo học với một ông đồ là học trò ông nghè Chiêu – môn sinh Cụ Võ Trường Toản. Việc nuôi dạy của mẹ và việc giáo dục của thầy vỡ lòng đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tư tưởng sau này của Nguyễn Đình Chiểu.
Năm 1833, Lê Văn Khôi nổi lên đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu cùng cha về Thừa Thiên và theo thầy học suốt 8 năm liền. Cuộc sống ở Huế đã giúp Nguyễn Đình Chiểu có điều kiện tiếp thu văn hóa đất kinh đô.
Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu trở về quê mẹ và thi đậu tú tài tại Gia Định, lúc bấy giờ ông 21 tuổi, có một nhà họ Võ hứa gả con cho ông.
Năm 1847, Nguyễn Đình Chiểu ra Huế học thêm để chờ khoa thi Hội vào năm Kỷ Dậu 1849. Nhưng được tin mẹ mất, ông vội vã trở về Gia Định thọ tang mẹ. Giữa đường vì quá thương khóc mẹ và vì chứng đau mắt nặng, nên ông bị mù.
Thân mù lòa, trở về nhà chịu tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu lại gặp phải cảnh ngộ phũ phàng, vị hôn thê bội ước vì tình cảnh gia đình sa sút… Ông đóng cửa cư tang cho đến năm 1851 mãn tang, ông mở trường dạy học và làm thuốc, học trò đến học rất đông.
Trong số học trò có Lê Tăng Quýnh rất quý thầy và thông cảm cho tình cảnh éo le, nỗi nhà neo đơn của thầy, đã đề nghị gia đình gả cô em gái út thứ năm của mình cho Nguyễn Đình Chiểu tên là Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, quận Cần Giuộc, tỉnh Gia Định. Ông cưới vợ vào khoảng năm 1854, ông vẫn tiếp tục dạy học, làm thuốc, sống thanh bạch cùng sự quý mến của môn sư và nhân dân. Chính thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác, hoàn chỉnh truyện Lục Vân Tiên và Dương Từ – Hà Mậu.
– Lục Vân Tiên, tác phẩm thơ Nôm đầu tiên của ông mà bà con miền Nam rất hâm mộ. Chính vì tác phẩm Lục Vân Tiên đã toát lên được điều chủ yếu là lòng dũng cảm, trọng nghĩa, khinh tài, ghét gian ác “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã” của người nông dân miền Nam và cũng là của mọi người dân Việt Nam. Và cũng từ tác phẩm này, miền Nam ra dời hình thức diễn xướng dân gian mới: Nói thơ Vân Tiên.
– Tác phẩm Dương Từ – Hà Mậu đã được Nguyễn Đình Chiểu sửa chữa, bổ sung cho phù hợp hoàn cảnh lúc bấy giờ và hoàn chỉnh lúc ẩn lánh tại Cần Giuộc. Đây là thời kỳ khẳng định tư tưởng yêu nước, yêu dân, tư tưởng nhân nghĩa và như một bộ phận của triết lý nhân sinh của ông.
Đến năm 1858, sau khi chiếm Đà Nẵng thất bại, đầu năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu chạy về quê vợ ở Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác áng văn bất hủ “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc”, ngợi ca chiến công anh hùng của người “dân ấp, dân lân” trong trận tấn công đồn Tây Dương, mà người bạn đồng khoa với ông là Đỗ Trình Thoại đã hy sinh cùng với 27 nghĩa binh khác.
“…Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia,
Gươm đen dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
…Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng
Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ
… thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen,
Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ”.
Năm 1862, ba tỉnh miền Đông rơi vào tay giặc Pháp, Cần Giuộc bị giặc chiếm nốt, Nguyễn Đình Chiểu không thể sống trong vùng giặc chiếm đóng đã tỏ rõ thái độ:
Nắng sương nay há đội trời chúng”.
Nguyễn Đình Chiểu đã cùng với gia đình xuôi thuyền về thôn An Bình Đông, tổng Bảo An, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Nguyễn Đình Chiểu ở trong một ngôi nhà lá đơn sơ, nay thuộc thị trấn Ba Tri. Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ với các sĩ phu yêu nước như: Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, và các lực lượng khởi nghĩa. Nguyễn Đình Chiểu thường xuyên bàn mưu cơ chiến lược với Trương Định. Trương Định vẫn coi ông là người tham mưu của mình. Khi Trương Định hy sinh (19/8/1864), Nguyễn Đình Chiểu vô cùng đau xót đã làm bài văn tế và mười bài thơ liên hoàn điếu vị anh hùng vì nước hy sinh:
“…..Trong Nam tên họ nổi như cồn
Hơi gương thêm rạng thế hoàng môn
Lâm râm ba chữ điếu linh hồn….”
Những ngày về Bến Tre, Cử Trị thường đến thăm viếng Nguyễn Đình Chiểu. Giữa 2 ông chẳng những có sự ràng buộc với nhau về tình bạn chiến đấu, mà còn có mối duyên thơ. Trong câu chuyện qua lại giữa Nguyễn Đình Chiểu và Cử Trị, hai ông thường nhắc đến Tôn Thọ Tường, một tên lợi dụng văn chương để làm bình phong che đậy bộ mặt bán nước – với tất cả giọng khinh bỉ.
Đến tháng 11-1867, trong cuộc khởi nghĩa của Phan Liêm, Phan Tôn (con trai Phan Thanh Giản) và Phan Tòng, Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần bàn mưu lược và khi Phan Tòng anh dũng hy sinh tại Gò Trụi, Giồng Gạch (1868) ông đã làm thơ điếu, hết lòng ca ngợi khí tiết anh hùng của người chiến sĩ ở Bình Đông:
“…..Làm người trung nghĩa đáng bia son
Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn
Tinh thần hai chữ phao sương tuyết
Cảm chuyện ngựa Hồ chim Việt cũ
Thực dân Pháp quỷ quyệt, vốn biết Nguyễn Đình Chiểu có uy tín rất cao trong nhân dân, chúng tìm mọi cách để mua chuộc, dụ dỗ. Năm 1883, tên Misen Bông-Sông (Michel Ponchon), Chánh Tham biện Bến Tre lúc bấy giờ đã nhiều lần đến tận nhà Nguyễn Đình Chiểu giở nhiều thủ đoạn mua chuộc, nhưng Nguyễn Đình Chiểu cáo bệnh không tiếp, khi bất đắc dĩ phải tiếp thì giả điếc không nghe. Có lần tên Bông-Sông đến tận nơi Nguyễn Đình Chiểu nằm, nhờ Lê Quang Hiền (sau này làm đốc phủ sứ) làm thông ngôn ân cần hỏi han và hứa sẽ trả lại phần đất ở làng Tân Thới cho Nguyễn Đình Chiểu, nhưng Nguyễn Đình Chiểu lạnh nhạt trả lời: “Nước chung đã mất, đất riêng còn có được sao?” Nguyễn Đình Chiểu cũng thẳng thắn từ chối mọi thứ phụ cấp của thực dân bất kỳ hình thức nào.
Khi tên Chánh Tham biện hỏi ý muốn riêng, Nguyễn Đình Chiểu đáp ngay: Muốn tế vong hồn nghĩa sĩ Lục tỉnh. Bông-sông đồng ý hứa sẽ tổ chức. Nhưng liền sau đó, không đợi tên Chánh Tham biện định ngày, cử người tham dự, Nguyễn Đình Chiểu đã tổ chức lễ tế tại chợ Ba Tri. Ông đọc văn tế, đông đảo người nghe xúc động không cầm được nước mắt.
Do lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn, ghét cay ghét đắng bọn cướp nước và bán nước, dù đôi mắt bị mù lòa, Nguyễn Đình Chiểu vẫn làm được nhiều thơ, văn tế, góp phần không nhỏ vào việc cổ vũ, động viên nhân dân chiến đấu chống thực dân Pháp. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu mang tính thời sự, tính chiến đấu sôi nổi. Ông đã vạch trần tội ác của giặc, của bọn tay sai, nói lên ước mơ nước nhà được giải phóng; nói lên lòng căm thù vô hạn của quần chúng nhân dân đối với kẻ thù xâm lược. Nó củng cố, làm sống lại tinh thần yêu nước bất khuất trong tâm trí của quần chúng, qua đó dấy lên phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ suốt cả thời gian dài sau này. Những tác phẩm này cùng với Lục Vân Tiên đã trở thành tài sản văn học quý giá của Nhân dân ta.
Năm 1888, sức khỏe cụ Nguyễn Đình Chiểu yếu dần và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 03/7/1888, trên mảnh đất mà ông chọn để sinh sống trong giai đoạn cuối đời – hơn một phần tư thế kỷ. Theo lời truyền lại của nhân dân, đám tang của cụ di qua cánh đồng An Bình Đông trắng xóa khăn tang của cháu con, môn đệ, đông đảo quần chúng nhân dân mến mộ tài đức của cụ. Hiện nay, mộ Cụ Nguyễn Đình Chiểu thuộc ấp Giồng Cụt, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Năm 1990, nhân kỷ niệm 102 năm ngày mất Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Khu di tích Đền thờ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2000, tỉnh Bến Tre đã cho mở rộng, xây dựng đền thờ mới, có diện tích 13.000m2.
Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Đây là một trong hai di tích đầu tiên của tỉnh Bến Tre được đón nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đền thờ hình tròn với 3 tầng mái tượng trưng cho 3 tầng trí thức: nhà giáo, nhà thơ và thầy thuốc.
Tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO, diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris, Pháp), đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 – 2023.
UNESCO khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: Thơ văn, Thầy giáo, Thầy thuốc.
Năm 2022, nhân Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (01/7/1822 – 01/7/2022), gắn với nhiều hoạt động đặc biệt về sự kiện này, tỉnh Bến Tre đã phối hợp với bộ, ngành Trung ương long trọng tổ chức lễ vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu.
Nói đến Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu là nói đến 2 câu thơ:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…”
Hai câu thơ có thể xem như một lời tuyên ngôn nghệ thuật bất hủ, thể hiện rất rõ tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu. Giá trị lớn mà Nguyễn Đình Chiểu để lại đó chính là những ánh hào quang tư tưởng chiếu tỏa từ những tác phẩm của ông đã được kết tụ lại như những viên ngọc quý. Đó là đức nhân nghĩa, yêu nước của ông, kết tinh của nguyện vọng và ý chí của những người lao động đã từng hi sinh xương máu để dựng nước và giữ nước, ước mơ vươn tới một xã hội công bằng và nhân đạo. Âm vang từ những áng thơ, văn giàu “chất thép” của Cụ Nguyễn Đình Chiểu trở thành niềm cảm hứng cho những thi sĩ – chiến sĩ, các thế hệ mai sau.
Tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu là tư tưởng tiến bộ và cách mạng, đại diện cho những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cho ý thức kiên cường và tự giác của nhân dân trong thời đại mà tư tưởng Việt Nam chưa được tiếp xúc với những tư tưởng cách mạng lớn của thế giới và nhất là tư tưởng của giai cấp vô sản. Trải qua những thăng trầm của đất nước, các biến cố của lịch sử, nhưng tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu vẫn soi sáng cho thế hệ cháu con tiếp bước. Nhân dân Ba Tri tự hào được sinh sống trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, mảnh đất Địa linh nhân kiệt, mảnh đất đã gắn bó cuộc đời và sự nghiệp của Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Vì vậy, Ba Tri còn có tên gọi là quê hương Nguyễn Đình Chiểu.
Càng tự hào về quê hương, thì mỗi người dân cần phải thấy rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, đó là truyền thống yêu nước, thương dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, trọng đạo nghĩa, đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái đi ngược lại lợi ích của Nhân dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhà giáo, đội ngũ thầy thuốc và Nhân dân huyện nhà noi theo tấm gương, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị của Cụ Nguyễn Đình Chiểu; có tinh thần, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, luôn rèn luyện và phấn đấu, sống gắn bó với quần chúng Nhân dân, thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí, vượt khó đi lên, luôn đề cao cảnh giác, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.