Từ khi thị trường chứng khoán được nhiều người quan tâm, các bạn trẻ học ngành tài chính bắt đầu mon men theo nghề vì công việc đầy năng động, mức thu nhập cao so với mặt bằng chung của ngành.
Môi giới chứng khoán là làm gì ?
Một buổi sáng ngày làm việc trong tuần, Vũ Trọng Ân (23 tuổi), làm việc tại Công ty chứng khoán SSI, dậy sớm chuẩn bị đến văn phòng làm việc như mọi khi. Đúng 8 giờ, Ân có mặt tại sàn chứng khoán. Cậu sửa soạn, đọc tin tức, phân tích những mã chứng khoán và nhắn tin cho hàng trăm khách hàng trong nhóm trực tuyến của mình.
Đúng 9 giờ, sàn giao dịch mở cửa, Ân bắt đầu theo dõi và trao đổi với khách hàng về những mã cổ phiếu tiềm năng. Dựa vào kinh nghiệm, Ân sẽ tư vấn cho khách hàng về tình hình tài chính hôm nay và tương lai. Từ đó, cậu có thể được ủy quyền đặt lệnh mua, bán hoặc báo khách cắt lỗ khi thị trường đi xuống. Đến 15 giờ, sàn giao dịch đóng cửa, công việc của Ân cũng từ đó giãn dần và lại tìm kiếm khách hàng mới.
Các bạn trẻ luôn tự làm mới mình với nghề môi giới chứng khoán
Ân chia sẻ nghề môi giới hiện nay có rất nhiều người trẻ theo đuổi. Với nghề này, người môi giới là trung gian giữa khách hàng và sàn chứng khoán. Do đó, môi giới luôn phải tìm kiếm khách hàng mới và duy trì khách hàng cũ là công việc hàng đầu. “Có nhiều cách để người môi giới tiếp cận khách hàng như: gọi điện, email, mạng xã hội hay lân la những quán cà phê và những mối quan hệ truyền miệng… mỗi môi giới sẽ có một cách riêng để tiếp cận khách hàng”, Ân chia sẻ.
Hơn 5 năm làm trong nghề, Nguyễn Phương Anh (28 tuổi, đang làm việc tại Công ty chứng khoán H.) cho rằng làm nghề cần chuẩn bị một tinh thần thép, bỏ qua sĩ diện bản thân mới có thể làm được. Khi mới vào nghề, môi giới phải kiếm khách hàng bằng cách gọi điện thoại hoặc ra ngoài tìm kiếm. Cô thường đến những đại hội cổ đông bởi nơi đó luôn có khách hàng tiềm năng, chịu đầu tư và quan tâm đến mã chứng khoán hiện tại.
Tôi phải trải qua 2 năm chỉ nhận lương cứng và rất thấp. Thời gian đó cuộc sống rất khó khăn, nếu không trụ được thì rất dễ bỏ nghề. Đến khi có khách ổn định thì thu nhập của tôi mới tăng nhanh theo cấp số nhân.
Nguyễn Trần Bảo Ngọc, đang làm môi giới cho Công ty chứng khoán V.
“Mỗi ngày tôi phải gọi hàng trăm cuộc, trong đó có khoảng vài chục cuộc cúp máy. May mắn sẽ nói được vài câu với vài người. May mắn hơn sẽ hẹn gặp được một người chịu đầu tư”, Phương Anh kể.
Với Phương Anh, làm nghề môi giới thật sự không khô khan như nhiều người vẫn nghĩ. Mỗi ngày đều có những cung bậc cảm xúc khác nhau theo đà tăng giảm của thị trường. Chuyện nhiều người chửi bới, thay đổi thái độ với người môi giới không phải hiếm, bởi những cảm xúc tiêu cực khi đầu tư thất bại khách dồn lên đầu người môi giới. Do đó, làm nghề phải cân bằng được cảm xúc, tránh tình trạng cảm xúc trôi theo chiều hướng tiêu cực cùng khách.
“Có khi khách có lãi mang tặng tôi một bó hoa hoặc khi lỗ khách buồn rủ tôi đi nhậu để tâm sự. Trường hợp khác là tôi thường nhắn tin thông báo với khách hàng thân thiết và bị nghĩ là bồ nhí khiến cô vợ phải ghen”, Phương Anh chia sẻ và nói thêm: “Thị trường tài chính chứng khoán không chỉ là con số mà nó còn là cảm xúc. Người môi giới không chỉ là người phân tích, đưa ra định hướng mà là người gắn kết thường xuyên và làm bạn với khách hàng”.
Môi giới viên luôn theo sát biến động của thị trường chứng khoán
Thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng
Phương Anh chia sẻ thu nhập của các nhân viên môi giới chứng khoán bao gồm hai phần là lương cứng và hoa hồng thông qua doanh thu từ giao dịch của khách. Thông thường lương cứng cho một môi giới chứng khoán thấp so với các vị trí khác thuộc ngành tài chính, dao động từ 2 - 5 triệu đồng/tháng.
Để đạt mức thu nhập cao đồng nghĩa với việc cần tiếp cận được nhiều khách, càng nhiều khách thì mức lương của môi giới viên càng cao. Tại mỗi công ty sẽ áp dụng mức hoa hồng và cách tính hoa hồng khác nhau, như dựa trên số tiền giao dịch hay trên tổng doanh thu. Phương Anh cũng tiết lộ thời gian gần đây mỗi tháng mức thu nhập của cô cũng lên tới 100 triệu đồng từ hơn 100 khách hàng mình quản lý.
Chỉ mới 23 tuổi nhưng Nguyễn Trần Bảo Ngọc (đang làm môi giới cho Công ty chứng khoán V.) đã có mức thu nhập mà bạn bè mơ ước. Cô thừa nhận làm môi giới chứng khoán nhanh giàu hơn nhiều nghề khác. Lộ trình tăng thu nhập của Ngọc tiến triển nhanh hơn bạn đồng trang lứa nhờ sự nhạy bén của bản thân. Gần đây, trung bình mỗi tháng mức thu nhập của Ngọc đạt gần 200 triệu đồng.
Ngọc nói rằng nhìn vào mức thu nhập của môi giới hiện nay không phải lúc nào cũng màu hồng. “Tôi phải trải qua 2 năm chỉ nhận lương cứng và rất thấp. Bỏ thời gian rất lâu để tìm khách giao dịch. Thời gian đó cuộc sống rất khó khăn, nếu không trụ được thì rất dễ bỏ nghề. Đến khi có khách ổn định thì thu nhập của tôi mới tăng nhanh theo cấp số nhân”, Ngọc chia sẻ.
Theo Ngọc, sự cạnh tranh trong nghề này rất khốc liệt và dễ bị đào thải. Rủi ro trong nghề khi nhập sai số tiền cũng mang đến nguy cơ cao. Áp lực về doanh số, khách hàng mới hay người môi giới không tự làm mới mình, không tiếp cận được thông tin, công nghệ và nhất là cảm xúc của khách hàng. Xu hướng tự động hóa trong tương lai và khách hàng ngày càng thông minh tự tìm hiểu và giao dịch khiến môi giới bị ảnh hưởng. Khi thị trường ảm đạm làm thu nhập thấp. Từ đó khiến người làm nghề luôn đặt mình vào trạng thái sẵn sàng làm việc, tận dụng thời điểm để kiếm tiền phòng hờ khi mất thu nhập vì thị trường đi xuống.